Hơn nửa thế kỷ qua, địa chỉ 47 Bà Triệu của Thư viện Hà Nội vẫn luôn là “điểm hẹn” của những người yêu thích sách. Để thu hút độc giả đến với thư viện, đặc biệt là độc giả thiếu nhi thì cần đổi mới các hoạt động của thư viện. Về vấn đề này, bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với Hà Nội mới Cuối tuần.
- Tháng 4 vừa qua, Dự án tái tạo thư viện công cộng tại Thư viện Hà Nội đã được khánh thành. Theo bà, dự án đem lại sự thay đổi gì cho thư viện?
- Thư viện Hà Nội ra đời từ tháng 10-1956, tại nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm với tên gọi ban đầu là Phòng đọc sách nhân dân. Từ xuất phát điểm ban đầu đó, tới tháng 1-1959, Thư viện nhân dân Hà Nội chính thức được thành lập và chuyển về trụ sở 47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm cho đến ngày nay.
Sau gần nửa thế kỷ hoạt động, tháng 8-2008, Thư viện Hà Nội khánh thành trụ sở xây mới, kiến trúc bề thế với hai khối nhà cao 8 tầng được mô phỏng theo hình ảnh trang sách mở như ôm lấy dòng chảy vô tận của tri thức nhân loại. Đây cũng là một trong những công trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tháng 11-2022, Dự án “Tái tạo thư viện công cộng giai đoạn 2021 - 2022” được khởi công đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là sự tiếp nối dự án Thư viện Dream Plus Library (Những ước mơ) dành cho thiếu nhi tại Thư viện Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ năm 2021. Dự án tái tạo thư viện công cộng hướng tới mục tiêu xây dựng không gian văn hóa, thưởng thức văn hóa và đọc sách; hỗ trợ việc trao đổi, giao lưu văn hóa; truyền tải thông tin về đời sống học thuật nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.
Với người dân Thủ đô, đây là một món quà quý giá của Chính phủ Hàn Quốc, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tặng cho người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng. Với đội ngũ những người làm chuyên môn như chúng tôi, đây là một vinh dự lớn bởi món quà này tới đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Các đoàn cán bộ quản lý, đoàn thủ thư của Thư viện Hà Nội đã được mời sang Hàn Quốc tham gia các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ và tham quan học hỏi kinh nghiệm các thư viện tiêu biểu của Hàn Quốc như Thư viện Quốc gia, Thư viện Âm nhạc, Thư viện Mỹ thuật, Thư viện thành phố Paju, Thư viện quận Eunpyeong (Seoul) và thư viện tư nhân. Chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều về marketing, về tổ chức các dịch vụ, đặc biệt là các khâu nghiệp vụ để có thể tạo cho bạn đọc một không gian thư viện hiện đại và một không gian để giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
- Nếu không có hoạt động, thư viện chỉ là kho chứa sách. Thư viện Hà Nội có những chương trình gì để thu hút độc giả tìm đến?
- Với dự án tái tạo thư viện công cộng, chúng tôi đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc bằng cách dành hoàn toàn không gian mở và bạn đọc đến thư viện sẽ tiếp cận với sách một cách trực tiếp.
Tầng 1 là không gian giao lưu văn hóa Việt - Hàn, ở đây chúng tôi có một bộ phận kỹ thuật chuyên để số hóa tài liệu và sản xuất sách nói. Tầng 2 dành cho các bạn đọc mượn sách về nhà và tầng 3 có các phòng đọc mở trao đổi, giao lưu, các phòng thảo luận. Tất cả các tầng đều có không gian để bạn đọc ngồi đọc tại chỗ, vì vậy, bạn đọc có thể mượn sách và mang xuống bất cứ không gian nào để đọc. Trong những không gian rộng rãi, thoáng mát được tái tạo thân thiện với môi trường và phục vụ theo hình thức mở, thuận tiện cho việc trao đổi và giao lưu như vậy, bạn đọc có thể dành thời gian ở lại thư viện lâu hơn. Cùng với những trang thiết bị hiện có và nội dung hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc tiếp cận với sách một cách nhanh, thuận lợi.
Bên cạnh đó, Thư viện thường xuyên tổ chức các hoạt động về sách và văn hóa đọc. Tại không gian giao lưu ở tầng 1, chúng tôi đang có những chương trình phối hợp rất cụ thể với Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, đó là hằng tuần, hằng tháng sẽ tổ chức những hoạt động trải nghiệm. Với không gian ngoài sảnh tầng 1, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị xuất bản để thường xuyên tổ chức giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu tác phẩm mới có ở thư viện. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để không gian 47 Bà Triệu thực sự là một địa chỉ văn hóa có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Các hoạt động đối với độc giả thiếu nhi thì sao, thưa bà?
- Việc phát triển văn hóa đọc yêu cầu có tính bền vững, bởi vậy, đối tượng mà chúng tôi đặc biệt hướng tới là các em thiếu nhi. Khi không gian này được đưa vào vận hành, chúng tôi mong muốn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trong đó quan trọng là Sở Giáo dục và Đào tạo, để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, qua đó thu hút nhiều học sinh đến Thư viện Hà Nội. Đã có không ít trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đến thư viện tham quan và trải nghiệm.
Hiện nay, với lịch học của học sinh Thủ đô thì các ngày trong tuần hầu như chỉ có phụ huynh đến mượn sách cho con, riêng cuối tuần rất đông độc giả thiếu nhi. Đặc biệt, với không gian Thư viện Dream Plus Library dành riêng cho thiếu nhi trên tầng 4, rộng khoảng 400m2, được thiết kế mang tính tương tác và trải nghiệm, hiện đại và hấp dẫn, đã thu hút nhiều bạn đọc thiếu nhi. Có những ngày riêng cơ sở 47 Bà Triệu đã phục vụ 600 - 700 lượt.
Vào kỳ nghỉ hè, Thư viện Hà Nội thường tổ chức lễ phát động các hoạt động hè cho bạn đọc thiếu nhi Hà Nội như viết cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích, vẽ tranh theo sách, các trò chơi dân gian có tính chất giáo dục, liên kết với một số trung tâm ngoại ngữ để hướng dẫn độc giả thiếu nhỉ chơi mà học - học mà chơi... Đây là những hoạt động rất thiết thực, mang tính chất khơi gợi nhu cầu, hứng thú của các em. Quan điểm của chúng tôi là khi các em đến đây nếu chưa biết các loại sách phù hợp thì các thủ thư với kỹ năng chuyên môn của mình sẽ định hướng cho các em tìm sách. Với chức năng của thư viện đứng sau giáo dục, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất cho các em thiếu nhi.
- Vậy độc giả Thủ đô muốn đến thư viện mượn và đọc sách thì cần đáp ứng những yêu cầu gì, thưa bà?
- Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho bạn đọc đăng ký thẻ một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Trên trang web của Thư viện Hà Nội có phần mềm trực tuyến để bạn đọc có thể khai thông tin ở nhà và khi đến đây chỉ mất khoảng 2 phút thôi là đã có thẻ bạn đọc. Thể lệ cấp thẻ rất đơn giản. Người lớn đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội cần có căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Trẻ em thì cần có giấy khai sinh (photo) trên địa bàn Hà Nội. Phí làm thẻ được miễn hoàn toàn. Tiền cược sách của bạn đọc được trả lại khi đã trả hết sách, nộp lại “Giấy thu tiền cược sách” và thẻ thư viện.
Thủ tục mượn sách được đơn giản hóa để giúp bạn đọc có điều kiện nhanh nhất tiếp cận với sách. Hầu hết các phòng mượn, phòng đọc của thư viện đều mở thông tầm, phòng phục vụ thiếu nhi chỉ mở thông tầm vào thứ bảy. Ngoài ra, thư viện cũng có hình thức đăng ký mượn sách online, bạn đọc có nhu cầu có thể xem hướng dẫn đăng ký mượn đã đăng trên website của Thư viện Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn bà!